Còn gọi là cỏ sả, lá sả, sả chanh, hương mao.

Tên khoa học Cymbopogon nardus Rendl (sả) – Cymbopogon flexuosus. Stapf (sả chanh).

Thuộc họ Lúa Poacear (Gramineae).

  1. Mô tả cây

Sả là loại cỏ sống lâu năm, mọc thành bụi, cao từ 0,8-1,5m hay hơn. Thân rễ trắng hay hơi tím. Lá hẹp, dàu giống như lá lúa, mép hơi nháp. Cụm hoa gồm nhiều bông nhỏ không cuống. Toàn cây có mùi thơm đặt biệt mùi sả. Trồng làm thuốc, người ta ít phân biệt sả này với sả khác, nhưng khi trồng để cất tinh dầu người ta phân biệt sả ra hai nhóm có tinh dầu có giá trị khác hẳn nhau:

Nhóm sả cho tinh dầu với thành phần chủ yếu là Citronellal và genariola (citrinnelle). Trong nhóm này có loài Cymbopogon winterianus, Cymbopogon nardus (L.) Rendl. (Andropogon nardus L.) có hàm lượng tinh dầu cao và chất lượng tốt nhất, sau đấy đến cây sả Cymbopogon confertiflorus Stapf cho ít tinh dầu hơn, chất lượng cũng kém hơn.

Nhóm sả cho tinh dầu với thành phần chủ yếu là xitrala (Lemin grass-Verveine des Indes) làm tinh dầu có mùi chanh rất rõ. Đứng đầu nhóm sả này là sả Cymbopogon flexuosus Satpf. (Andropogon flexuosus Nees), sau đó đến loài Cymbopogon citratus Stapf, (Andropogon Schoenanthus L.)

Ngoài hai nhóm này còn một số loài sả cho tinh dầu có thành phần khác hẳn mặc dầu về hình thái và giải phẫu rất khó phân biệt như loài sả Cymbopogon martinii (Roxb.) Wats. thì thứ motia cho tinh dầu gọi là essence Palma rosa hay Geranium des Indes chứa tới 75-95% geraniola, còn thứ sofia lại cho một thứ tinh dầu không chưa geraniola mà lại chỉ có ancol perilic.

  1. Phân bố, thu hái và chế biến

Cây sả được trồng ở khắp nước ta, nhưng diện tích trồng làm thuốc không nhiều, chỉ có tính chất gia đình và người ta chỉ dùng rễ hoặc toàn cây đào về dùng tươi hay phơi trong râm mát.

Nhưng diện tích trồng sả để cất tinh dầu lại rất lớn: từ trước CMT8, ở miền Bắc nước ta diện tích trồng ở đồn điền Sơn Cốt (Bắc Cạn) hàng năm cho khoảng 10 tấn tinh dầu. Từ ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc nước ta (1954) diện tích trồng sả để cất tinh dầu tăng dần tới hàng nghìn hecta, hàng năm cung cấp hàng trăm tấn tinh dầu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhu cầu tinh dầu sả trên thế giới vào vào khoảng 3.000-4.000 tấn/năm. Những nước sản xuất nhiều tinh dầu sả nhất là Indonexia (nổi tiếng sả java), Xrilanca nổi tiếng với tên sả Xrrilanca, sau đến Ấn Độ, Trung Quốc.

  1. Thành phần hóa học

Nhân dân ta dùng rễ và toàn cây tươi khô. Hoạt chất của sả như thế nào hiện chưa thấy tài liệu nghiên cứu chỉ mới biết trong sả có 1 đến 2% tinh dầu. Tùy theo loài sả, thành phần của tinh dầu thay đổi và có giá trị khác nhau. Tinh dầu sả cất từ cây sả Cymbopogon nardus (L.) Rendl. (sả Xrilanca) và cây Cymbopogon winterianus Jowitt (Sả java) có từ 20 đến 40% geraniola và citronellola, 40 đến 60% xitronellala. Loài thứ hai được trồng nhiều ở Java, Đài Loan, Trung Mỹ (Duatemala), Ghinê, Mangat. Tinh dầu sả cất từ cây sả chanh Cymbopogon flexuosus và C. citratus chứa từ 70 đến 80% xitral. Loại sả chanh này được trồng nhiều ở Ấn Độ, Mangat, đảo Como, Trung Mỹ (Guatemala), Châu Phi (Conggo, Kenya). Tinh dầu sả cất từ lòa Cymbopogon martinii var. motia chứa 75-95% geraniola còn var. sofia chứa ancol perilic.

  1. Công dụng và liều dùng

Tinh dầu sả dùng làm thuốc giúp tiêu hóa, đuổi muỗi, còn dùng trong công nghiệp chất thơm, làm nước hoa, xà phòng thươm…

Lá sả dùng pha nước uống cho mát và tiêu. Củ sả có tác dụng thông tiểu tiện, ra mồ hôi, chữa cảm sốt.

Ngày dùng 15 đến 30g củ sả hay lá sả dưới dạng thuốc sắc hay nấu nước xông.

—————

Nguồn: Đỗ Tất Lợi (2006, Trang 688), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y Học, Hà Nội.

Sổ tay sử dụng tinh dầu Sả Chanh: https://tinhdauleque.com/so-tay-tinh-dau-tinh-dau-sa-chanh/